Trang chủ     sai lầm khi quan niệm cho con học đàn "cho vui"

sai lầm khi quan niệm cho con học đàn "cho vui"

Dưới đây là bài viết của Cô Tô Phương Dung, chuyên hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn, giảng dạy và nghiên cứu âm nhạc. Cô Tô Phương Dung là một trong những người đi đầu trong việc phổ biến phương pháp giáo dục âm nhạc Dalcroze Eurhythmics tại Việt Nam. MUSIC SOUL xin trích dẫn nguyên văn:

Học nhạc cần tránh tư duy nghiệp dư


Học nhạc cần tư duy chuyên nghiệp

Câu nói muôn thuở tôi được nghe từ các phụ huynh cho con học nhạc hoặc các học sinh lớn tuổi là: “Anh/chị/cháu chỉ học nghiệp dư thôi nên cũng không có nhiều thời gian tập mấy” hoặc “Học cho vui ý mà, mục tiêu của chị là đánh được ra giai điệu đã, mấy cái to nhỏ, xử lí tác phẩm này chắc không cần đâu em”.

Đáng ngạc nhiên là suy nghĩ này thường xuất phát từ người lớn, trẻ con không bao giờ xác định ngay từ đầu việc học này đáng lưu tâm hơn việc học kia. Chúng đón nhận mọi thứ từ thế giới với một đôi mắt mở to, háo hức, tò mò, biến những chất liệu chúng học được trở thành hành trang sống. Trong khi người lớn, do thói quen xếp thứ tự ưu tiên công việc, tự giới hạn mình hoặc con cái họ bằng tâm lý “học cho vui”. Suy nghĩ này về lâu dài ảnh hưởng không hề nhỏ đến hiệu quả học tập, khi không “vui” thì nghỉ vài bữa cũng ok.

 

Biểu diễn chỗ đông người à? Mạnh mẽ lên :D

Tự gắn mác “nghiệp dư” cho mình trong quá trình học nhạc là một điều không nên, bởi vì: 

1. Bạn cảm thấy tự ti, không sẵn sàng thử những kĩ thuật mới, giáo viên dạy gì biết nấy, không sáng tạo và đào sâu suy nghĩ khi học.

2. Bạn thích chơi cùng những người “nghiệp dư” giống mình. Biểu diễn chốn đông người đối với bạn là một điều xa xỉ.

3. Tư tưởng của bạn không cho phép bạn tiếp cận âm nhạc ở mức độ cao. Đối với bạn người “học nghiệp dư” chỉ cần đánh đúng nốt vài bài nghe hay hay lấy vốn, không cần xử lý tác phẩm, không cần phân đoạn, không cần thể hiện sắc thái, không cần kĩ năng biểu diễn, không cần lý thuyết, không cần hiểu bản chất và ý nghĩa phía sau.

4. Chỉ tập và học khi vui và thấy “sẵn sàng”. Hôm nay bị sếp mắng, chán đời, nghỉ tập. Hôm sau vướng cái hẹn cafe, nghỉ học. Tập khó quá, thôi để hôm khác tập. Cứ như vậy, việc luyện tập luôn bị ngắt quãng và nhiệt huyết lúc đầu vơi đi lúc nào không hay.

5. Thường xuyên thay đổi giáo viên. Bạn cho rằng mỗi giáo viên nên học thử một thời gian ngắn xem có hợp hay không. Mỗi người học một ít thì bạn sẽ nhanh chóng thu được “tinh hoa” từ họ.

Điều khác biệt giữa người học chuyên nghiệp và nghiệp dư không nằm ở mục đích mà là thái độ học nhạc. Nếu bạn nghiêm túc trong tập luyện, tỉ mỉ khi xử lí tác phẩm, luôn sẵn sàng đón nhận những cái mới thậm chí mày mò tự học, bạn hoàn toàn có thể trở thành người “chuyên nghiệp” bất kể bạn có phải học sinh các trường nghệ thuật hay không.

Chú ý đến sắc thái khi chơi nhạc

Dựa vào kinh nghiệm học nhạc và dạy nhạc của bản thân, tôi gửi tới các bạn một vài lời khuyên như sau:

1. Nghệ thuật là một môn học đặc thù đòi hỏi rất nhiều sáng tạo của người học. Sáng tạo trong phương pháp học, tập luyện, hệ thống hóa thông tin,… Thực tế, bạn hoàn toàn có thể thu lượm thêm rất nhiều kiến thức và ý tưởng hay ho qua Internet trong đó Youtube thực sự là một mỏ vàng cho người học nhạc: từ kĩ thuật với ngón tay, cách đọc bản nhạc, hòa âm, đệm hát, ngẫu hứng, sáng tác, phối khí… có đủ cả. Vấn đề là bạn có chịu tìm kiếm hay không thôi.

2. Học nhạc cũng như học ngoại ngữ. Bạn càng giao lưu nhiều với những người giỏi hơn mình, bạn càng nhanh chóng tiến bộ. Đừng bao giờ giới hạn suy nghĩ “Học nhạc là vấn đề của ngón tay, đánh được nhiều bài khó là giỏi”. Hãy chú ý nhiều hơn tới kĩ năng biểu diễn, sắc thái âm thanh, cách sử dụng hòa âm sáng tạo và gu thẩm mỹ. Thử những dòng nhạc chất lượng như cổ điển, jazz, funky, latin…. thay vì chỉ quanh quẩn vài bài pop “Anh cứ đi đi” hay “Chắc ai đó sẽ về”. CHÚ Ý: Tận dụng mọi cơ hội để biểu diễn chỗ đông người. Cứ làm tới đi, bạn sẽ tự tin lên rất nhiều và nghiêm túc hơn trong lúc học. Bây giờ mình là gà, từ từ mới thành đại bàng được chứ hehee.

3. Luôn lưu ý về sắc thái âm nhạc và cố gắng hiểu được những khái niệm lý thuyết cơ bản. Bạn cần hiểu bản chất để có thể tập luyện khi không có giáo viên cũng như nâng cao vốn kiến thức của mình. Bắt đầu với tư duy của người học chuyên nghiệp, chơi một bản nhạc hay nhất với khả năng của mình, legato/stacccato – to/nhỏ – nhanh/chậm phải đánh cho ra, nó sẽ trở thành phản xạ tự nhiên của bạn. CHÚ Ý: Hãy thử ngẫu hứng, sáng tạo giai điệu với cây đàn của bạn bất kể bạn mới học hay đã học lâu rồi. Âm nhạc không phải là sự sao chép, nó là nơi thể hiện cá tính của bạn.

4. Tập đàn giống như đẩy xe lên núi. Cần sự nỗ lực thường xuyên và bền bỉ nếu không bạn sẽ lại trôi tuột về vị trí xuất phát. Việc học và luyện tập được duy trì đều đặn tạo ra một mạch giúp bạn tiến bộ nhanh chóng. Những bài tập nâng cao, những kĩ thuật khó và sự hạn hẹp về thời gian trong một cuộc sống bận rộn đôi lúc sẽ khiến bạn nản lòng, nhưng đừng tự lơi sự tập trung của mình quá sớm. Biến lịch học và tập trở thành một sự kiện quan trọng mà bạn cần tham dự. Hãy chia sẻ những khó khăn với giáo viên của bạn, họ sẽ biết làm thế nào để giúp đỡ bạn vượt qua.

5. Học nhạc cần tính kiên nhẫn, phương pháp tốt cần thời gian đủ lâu để phát huy hiệu quả. Kết quả học không chỉ quyết định bởi giáo viên mà phụ thuộc rất nhiều vào việc luyện tập của bạn. Hãy cẩn thận khi lựa chọn giáo viên dạy bạn ngay từ  đầu, tìm hiểu phương pháp và giáo trình mà họ áp dụng, tìm hiểu những giá trị mà họ muốn hướng tới và cung cấp cho người học. Khi bạn cảm thấy những giá trị đó phù hợp với mình, hãy tin tưởng vào giáo viên của mình và phối hợp cùng họ trong những tiết học để đạt được hiệu quả cao nhất.

Chúc các bạn học nhạc thành công và luôn luôn là những người học nhạc Chuyên nghiệp .