Trang chủ     NHỮNG CHUẨN BỊ KHI CHO CON HỌC NHẠC

NHỮNG CHUẨN BỊ KHI CHO CON HỌC NHẠC

Nói đến “tiếp xúc âm nhạc”, một số bậc cha mẹ sẽ cho rằng: Tiếp xúc với âm nhạc tức là dạy con mình học một nhạc cụ nào đó! Giáo dục âm nhạc là loại giáo dục ở trường khi trẻ đi mẫu giáo và tiểu học, đây là việc của giáo viên trong trường hoặc giáo viên nhạc bên ngoài. Thực ra, quan niệm đúng đắn là nên kích thích tiềm năng âm nhạc của trẻ em phải bắt đầu từ việc “nghe”.

Mục đích chủ yếu của giáo dục âm nhạc trong thời kỳ nhi đồng hoặc thời kì sớm hơn nữa, không phải là đạt được kĩ thuật âm nhạc, mà chủ yếu là kích thích tiềm năng âm nhạc và bồi dưỡng những năng lực âm nhạc cơ bản của trẻ: “Kĩ thuật âm nhạc” là chỉ sự hiểu biết về nhạc lí và kỹ năng chơi nhạc cụ, thời kì thích hợp để học là giai đoạn trẻ đã đến trường (trước khi đủ 6 tuổi) thì hoạt động giáo dục âm nhạc nên căn cứ và sự phát triển về sinh lí của trẻ, coi hoạt động “nghe”, và phối hợp thêm một số hoạt động mang tính sáng tạo của cơ thể. 
Vì vậy, “nghe” cần trở thành bước đầu tiên trong quá trình giáo dục âm nhạc cho trẻ, và là bước quan trọng nhất! Làm tốt bước “nghe”, thì trong quá trình học nhạc sau này, cả trẻ nhỏ, giáo viên và phụ huynh đều sẽ thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều, và cũng dễ bước trên con đường thành công.
Hãy nhớ lại quá trình chúng ta học ngôn ngữ: quanh trẻ nhỏ có rất nhiều người nói chuyện (trẻ nhỏ được nghe) -> trẻ bắt đầu học nói (trẻ được nói) -> bắt đầu đọc chữ (trẻ được đọc) -> biết đọc rồi thì bắt đầu viết (trẻ được viết); quá trình nghe -> nói -> đọc -> viết là quá trình nhân loại học ngôn ngữ, và quá trình học âm nhạc cũng vậy.
Gia đình chính là lớp học tốt nhất.
“Gia đình là trường học quan trọng nhất của đời người, cha mẹ là người thầy quan trọng nhất của cả đời con cái”. Giáo dục âm nhạc cho trẻ nhỏ có thể bắt đầu bất cứ khi nào, và giáo viên tốt nhất chính là cha mẹ! Lớp học tốt nhất chính là nhà! Thử nghĩ xem, bạn không thể bế trẻ đi khắp nơi tìm lớp ngay từ khi trẻ mới chào đời phải không? Thời gian và tiền bạc lãng phí vào vấn đề giao thông là quá đủ để cho trẻ được nghe hàng trăm bản nhạc! Vì thế, đừng chối bỏ trách nhiệm, đừng nói rằng tôi không có khiếu âm nhạc, nên tôi không thể dạy nhạc cho con tôi. Quan niệm đó cần được sửa đổi. 
Tôi có một người bạn mở một công ty chuyên về khí cụ âm nhạc, thường đem con đến công ty. Cháu bé tên là Bân, vì ở công ty nên từ bé đã bật tắt thành thạo các dàn loa, cháu bé cũng tiếp xúc nhiều với âm nhạc. Lúc 5 tuổi, bé Bân vào lớp học nhạc của tôi, ban đầu bé không có gì nổi bật. Sau khi học khoảng 2 năm, bé dần dần bộc lộ sự yêu thích và khả năng âm nhạc của mình. Bé bắt đầu học piano từ lớp 2, mỗi ngày tự giác luyện đàn hơn 1 tiếng, bé còn nói với mọi người là, hằng ngày mà không tập đàn, thì không thể làm việc khác được. 
Nhìn cháu bé chìm đắm trong tiếng đàn piano, hồi tưởng lại quá trình trưởng thành của bé, tất nhiên không thể phủ nhận công sức giáo dục âm nhạc cơ bản của tôi, nhưng sự hun đúc của “môi trường âm nhạc” mà từ nhỏ cháu được tiếp xúc có tác dụng quan trọng hơn. Rất nhiều bậc cha mẹ, bỏ lỡ phương thức giáo dục rất đơn giản là cho trẻ nghe nhạc, mà chỉ biết đợi đến khi con cái của mình 4, 5 tổi thì cho đi học piano, violin. Đó là phương thức giáo dục vừa tốn kém vừa tàn nhẫn đối với trẻ nhỏ, rất dễ khiến trẻ gặp trở ngại khi học, thậm chí là bỏ cuộc giữa chừng.
Sống trong môi trường âm nhạc
Có hai phụ huynh rất nhiệt tình và giàu có, đem 3 đứa con đang học lớp 1, 2 và lớp 4 đến chỗ tôi học, tôi phát hiện ra cả ba cháu bé đều có một bệnh chung là không hề đọc kỹ bản nhạc, mỗi đoạn nhỏ đều xuất hiện những âm sai. Nếu hòa âm đánh sai sẽ phát ra âm thanh rất khó nghe, nhưng các cháu vẫn tiếp tục chơi mà không có cảm giác gì. Âm nhạc không khiến cho bọn trẻ rung động được.
Đối với hai cháu bé, cho dù từ góc độ tâm lí hay sinh lí mà nói, thì âm thanh của cây đàn dương cầm phát ra không phải là bản nhạc tuyệt diệu, mà hoàn toàn chỉ như tiếng gõ máy tính, máy chữ, không có chút cảm xúc. Tuy tôi đã mất một năm trời để sửa chữa nhưng tình hình tiến bộ của hai cháu vẫn thuộc loại tệ hại nhất trong quá trình dạy học của tôi từ trước tới nay. Sau đó, không còn cách nào khác, tôi buộc phải tới thăm nhà hai cháu, tình trạng của gia đình quả thực làm tôi sốc: phòng khách không có cách âm, góc tường bày một chiếc piano, phía ngoài tường là một nhà máy khá rộng, mười mấy cỗ máy to lớn kêu ầm ĩ từ sáng đến tối, cha mẹ bận rộn làm việc cả ngày trong nhà máy; các cháu ngày ngày sống trong tiếng ồn, không những không được nghe nhạc, mà đến tiếng đàn của chính mình cũng không nghe được. Sau khi nhìn thấy cảnh ấy, tôi vô cùng đau lòng, cha mẹ các cháu không tiếc những đồng tiền vất vả kiếm được để bồi dưỡng con cái, nhưng lại quên mất việc tạo ra môi trường học tập tốt cho trẻ, họ không biết rằng, đó cũng là một nhân tố giáo dục quan trọng. Từ đó có thể thấy tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của giáo dục thính giác.

Được trích trong một cuốn sách của Tiến sĩ âm nhạc TRỊNH HỰU TUỆ.